CREMA - NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

SƠ LƯỢC VỀ CREMA 

Khởi nguồn từ Ý, "Crema" có nghĩa là "Cream" hay còn gọi là một lớp kem, mặc dù nó thật sự chẳng phải như vậy. 

Nguyên nhân là vào khoảng năm 1948 đến 1950 khi Achille Gaggia cho ra đời máy pha Espresso mới của mình (có khả năng tăng áp lực nước từ 1,5 - 2 bar lên đến 8 -10 bar so với những chiếc máy đương thời), ông đã trở thành người đầu tiên có thể làm ra những ly Espresso với một lớp bọt óng ả phía trên. 

Tuy nhiên, điều này là khá xa lạ với khách hàng lúc bấy giờ. Họ bắt đầu bàn tán xôn xao về việc cái gì đã tạo ra lớp bọt kì quái như vậy. 

Achille Gaggia đã rất thông minh trong việc đưa ra câu trả lời của minh. Một cách hóm hỉnh, ông giải thích rằng đây chính là "lớp kem tự nhiên của cà phê", là minh chứng rõ ràng cho việc chiếc máy của ông có thể chiết xuất cà phê với chất lượng cao nhất. 

Sau đó cụm từ "Crema Caffé Naturale" (Lớp kem tự nhiên của cà phê) được dùng như một từ khoá đắt giá để quảng bá cho chiếc máy của ông vào thời điểm này.

Và kể từ đó đến nay, chưa có bất kì ai phàn nàn về từ "Crema" cả. Trái lại, nó càng ngày càng phổ biến, và trở thành một từ chính thức của tiếng Anh nhằm chỉ lớp bọt trên cốc Espresso. 

Để nói về Crema, thông thường độ dày của nó chỉ chiếm khoảng 1/4 đến 1/3 toàn cốc, nhưng crema có vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng tổng quan của một tách Espresso hoàn hảo - bởi nó là dấu hiệu nhìn thấy rõ nhất của một tách cà phê được pha chuẩn cả về thời gian khử khí, độ xay, cơ chế áp suất... và đây chính là những yếu tố đứng sau trải nghiệm hương vị của Espresso.

SỰ HÌNH THÀNH CỦA CREMA

Crema được hình thành trong quá trình chiết xuất khi nước và dầu trong cà phê nhũ hóa. Theo đó, sau khi hạt cà phê được rang, chúng bắt đầu giải phóng CO2. Hầu hết trong số đó được giải phóng vào không khí giữa quá trình rang và xay, lượng CO2 còn lại được giải phóng trong quá trình chiết xuất.

Khi nước nóng chảy qua bột cà phê trong giỏ lọc với áp suất cao của máy pha cà phê espresso thì nước sẽ nhũ hóa các loại dầu trong cà phê và sau đó sẽ siêu bão hòa với CO2, dẫn đến rất nhiều bong bóng nhỏ tạo thành lớp bọt của crema.

Lớp crema càng dày nghĩa là CO2 bị giải phóng nhiều, tức là do cà phê tiếp xúc với áp lực lớn càng lâu. Nhưng khi CO2 quá nhiều thì cũng gây trở lực trong việc khuếch tán các hương vị, điều này lại không tốt. Vì vậy phải luôn cố cân bằng độ tươi cà phê vừa đủ cho việc tạo crema.

Lượng crema lý tưởng nhất là chiếm ít nhất 10% thể tích của một tách espresso với mật độ bọt 0,30 – 0,50 g/ml.


CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH ỔN ĐỊNH CỦA CREMA

1.     Chênh lệch áp suất

Sau khi crema được hình thành, sự mất ổn định thường xảy ra thông qua ba bước, trước khi nó hoàn toàn tan biến. Đầu tiên là sự kết hợp giữa các bong bóng gần nhau, xảy ra khi màng ngăn cách các bong bóng bị vỡ. Thứ hai, tuân theo quá trình chín Ostwald, do chênh lệch áp suất, các bọt nhỏ áp sát và bị sát nhập vào các bọt có kích thước lớn hơn. Cuối cùng, trọng lực buộc chất lỏng tách ra khỏi bọt khí.

Điều này lần lượt làm cho crema mỏng dần. Mặc dù những hiện tượng này diễn ra như nhau trong bất kỳ cốc Espresso nào, nhưng do tác dụng của nhiệt độ cao và cách nó nguội dần từ trên xuống sẽ làm tăng thêm sự phức tạp để hiểu các hiện tượng vật lý trong sự hình thành và ổn định của crema.

2.     Nhiệt độ và tính chất nước

Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng, nhiệt độ nước càng cao càng tác động tiêu cực đến crema. Chính vì thế, việc chú ý đến nhiệt độ chiết xuất là một trong những điều các barista nên chú ý. Và cuối cùng, độ cứng của nước cũng tác động đến lớp crema. Nếu nước chưa được xử lý (chứa quá nhiều hàm lượng ion và các khoáng chất không mong muốn) sẽ làm crema nhanh tan hơn.

3.     Lipid (Chất béo)

Như chúng ta đã biết, lipid là một chất không tan trong nước và nó có xu hướng tách ra khỏi nước, điều này làm ảnh hưởng đến tính bền vững của crema. Và hàm lượng lipid trong Arabica lại cao hơn Robusta. Cụ thể, trong một tách espresso 30ml chứa khoảng 46 – 146mg lipid đối với cà phê Arabica và khoảng 15 – 120mg đối với cà phê Robusta (cà phê nguyên chất).

VẬY LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC TÍNH BỀN VỮNG CỦA LỚP CREMA?

Tinh chỉnh lại độ mịn bột cà phê

20 – 30 giây là khoảng thời gian chiết xuất tiêu chuẩn của cà phê Espresso. Khoảng thời gian đó cũng nói lên được độ mịn bột cà phê của bạn là phù hợp. Tuy nhiên, vì một vài lí do nào đó nhưng thường là do độ mịn khiến bạn chiết xuất cà phê quá nhanh hoặc quá chậm.

Vô hình chung, lớp crema espresso cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Nếu bột cà phê quá thô, nước đi qua lượng bột trong giỏ lọc quá nhanh, chưa kịp thẩm thấu và chiết xuất được hết các chất trong cà phê. Bạn sẽ nhận được một tách espresso nhạt nhẽo, vị chua và crema mỏng manh.

Và nếu bột cà phê quá mịn thì nước đi qua bột cà phê một cách cực lâu và chậm. Vì thế, dẫn đến việc nước hòa tan quá nhiều chất có trong cà phê hơn và hiện tượng nhũ hóa, siêu bão hòa diễn ra lâu hơn. Kết quả thu được một tách espresso có vị đắng khét, hương kém phong phú, crema espresso nâu sẫm và bọt khí to.

Tóm lại, lời khuyên đầu tiên là hãy chọn độ mịn phù hợp cho Espresso. Đồng thời, bột cà phê phải có độ mịn đồng đều, kích thước giữa các hạt bột cà phê phải nhất quán.

Xử lý nguồn nước pha espresso

Một số chất khoáng như ion, kẽm, magie…  có trong nước vượt quá mức cho phép sẽ khiến việc nhũ hóa và siêu bão hòa bị cản trở. Nước cứng không tốt cho máy pha cà phê, không tốt cho espresso và không tốt cho cả crema. Nên hãy mua lọc nước máy pha cà phê chuyên dụng cho máy của bạn càng sớm càng tốt.

Dùng cân điện tử mỗi khi lấy bột cà phê

Bạn có thể lấy thừa hoặc thiếu và tình huống này bắt đầu xảy đến tương tự như việc bột quá thô hay quá mịn vậy. Nếu có quá nhiều bột cà phê trong giỏ lọc, nước lại phải thẩm thấu lâu và ngược lại.

Nên hãy canh chỉnh số lượng bột trên máy xay cà phê của bạn một cách hợp lý theo từng dòng máy pha cà phê bạn đang sở hữu. Còn nếu bạn dùng loại bột cà phê mua sẵn thì hãy trang bị cân điện tử khi mỗi lần đong bột cà phê vào tay cầm.

Vệ sinh máy pha cà phê định kỳ

Việc vệ sinh các thiết bị pha chế rất quan trọng, nhất là máy pha cà phê. Trong quá trình sử dụng, dầu và cặn sẽ tích tụ quanh đầu group, vòi steam… Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị espresso và cả lớp crema espresso của bạn.

Hãy vệ sinh máy của bạn sau mỗi cuối ngày và định kì theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật. Đặc biệt là vệ sinh kỹ đầu group-head, tay cầm pha cà phê (handle), vòi steam.

Nhiệt độ và áp suất máy pha cà phê chưa đạt chuẩn

Nếu áp suất bơm yếu (áp suất chuẩn là 9 bar trên máy chuyên nghiệp; 15 bar trên máy tự động), sẽ không tạo đủ điều kiện để nước nóng nhũ hóa các loại dầu trong cà phê và sau đó sẽ siêu bão hòa với CO2.

Bên cạnh đó, nhiệt độ – bao gồm cả nhiệt độ pha chế (92ºC) và nhiệt độ chiết xuất (70ºC) không đạt tới ngưỡng quy định, cũng khiến crema mỏng manh và nhanh tan. Mẹo cho việc này là hãy dùng nhiệt kế để kiểm tra trước khi pha cà phê.

Cà phê của bạn còn mới hay quá cũ?

Cà phê mới thì chưa trải qua quá trình degas, còn cũ thì bao nhiêu tinh túy đã bay hơi đi hết. Tốt nhất, hãy mua loại cà phê chất lượng cao được rang còn nguyên hạt. Hãy xay một lượng vừa đủ mỗi lần pha.

Degas là quá trình giải phóng khí CO2 của cà phê sau khi rang xong. Nó khiến thể trạng cà phê trở nên hoàn hảo và thăng hoa hương vị sau khi pha.

Cuối cùng, tách chưa đủ ấm, lực nén cà phê quá mạnh hay quá nhẹ cũng khiến crema thiếu bền vững. Có thể nói, một lớp crema đẹp chưa chắc cà phê đã ngon nhưng một tách cà phê ngon thì phải có crema đẹp. Dù chỉ mang yếu tố cảm quan là chính, tuy nhiên crema cũng chính là một trong những điểm khiến người khác đánh giá sự hoàn hảo của cà phê và kinh nghiệm barista của bạn.

KẾT LUẬN

Crema cho ta thấy nhiều điều, nhưng sau tất cả, chúng ta tạo ra một tách espresso tức là làm ra một món uống kết hợp mang tính nghệ thuật song song mùi vị và cảm quan. Về mặt thực tế, crema có ảnh hưởng đến trải nghiệm espresso, nhưng suy cho cùng, crema không phải là yếu tố chính để đánh giá chất lượng tách espresso, vậy nên lớp bọt này biến mất thì cũng là điều hết sức bình thường. Vì thế, đừng quá áp lực khi chiết xuất ra tách espresso với lớp crema không như mong đợi.

----------------------------------------------------

COPEN COFFEE – Trọn vị nguyên bản, chuẩn gu người sành

► Địa chỉ: 81 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

► CN: 65 Lê Hồng Phong, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội

► Hotline: 0905 555 909

► Website: www.copencoffee.com