LÀN SÓNG CÀ PHÊ VÀ SỰ TIẾN HOÁ CỦA TRẢI NGHIỆM CÀ PHÊ

Dù là dân ghiền cà phê chính hiệu, có thể bạn chưa nghe đến khái niệm “làn sóng cà phê”. Sự vận động và phát triển tự nhiên của xã hội tạo nên cái giai đoạn lịch sử, và cà phê cũng vậy.

Cà phê đã trải qua một chặng đường dài từ khởi đầu khiêm tốn đến trở thành một trong những loại đồ uống được yêu thích và tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Trong suốt lịch sử của mình, cà phê đã trải qua nhiều làn sóng chuyển đổi, mỗi làn sóng được đặc trưng bởi sự thay đổi trong sản xuất, tiêu dùng và ý nghĩa văn hóa. Bằng cách hiểu những làn sóng này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cà phê đã phát triển như thế nào, sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi và sự phát triển của một nền văn hóa cà phê tập trung vào chất lượng và sắc thái nhiều hơn.

LÀN SÓNG THỨ NHẤT: KỈ NGUYÊN TIÊN PHONG

Đến đầu những năm 1800, cà phê dù là mặt hàng phổ biến tại phần lớn các quốc gia nhưng vẫn khó để được tiếp cận rộng rãi. Sự hạn chế trong khả năng bảo quản và việc đánh thuế dựa trên khối lượng dẫn đến việc tiêu thụ cà phê phụ thuộc vào hàng quán hoặc các nhà rang xay địa phương. Điều này đặt ra một bài toán cho các công ty cà phê.

Giữa cuối thế kỷ 18, bao bì chân không và cà phê hòa tan ra đời, dấy lên làn sóng đầu tiên trong ngành công nghiệp này với giá trị cốt lõi là sự tiện lợi. Sự tiện dụng và lợi ích không thể chối cãi khiến lượng tiêu thụ của mặt hàng này tăng đột biến.

Cà phê đã trở thành một mặt hàng chủ lực trong các hộ gia đình và nơi làm việc, tập trung vào sự tiện lợi và hương vị nhất quán. Nó đặt nền móng cho sự phổ biến rộng rãi của cà phê và tạo tiền đề cho những bước phát triển sau này.


LÀN SÓNG THỨ HAI: VĂN HÓA QUÁN CÀ PHÊ

Làn sóng cà phê thứ hai xuất hiện vào những năm 1960 và 1970, mở ra một kỷ nguyên mới về tiêu thụ cà phê và sự ra đời của văn hóa quán cà phê. Làn sóng này được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của các chuỗi cà phê như Starbucks ở Mỹ, phong trào Fika ở Thụy Điển và sự phổ biến của đồ uống dựa trên cà phê espresso. Cà phê đã trở thành một trải nghiệm xã hội, với các quán cà phê là nơi tụ họp của cộng đồng. Làn sóng thứ hai tập trung vào việc cung cấp nhiều lựa chọn cà phê hơn, nhấn mạnh sự tiện lợi và giới thiệu đồ uống có hương vị và sự pha trộn đặc biệt.

Với nhận thức dần tăng cao, người dùng mong muốn nhiều hơn ở hương vị của loại đồ uống này. Để giải quyết bài toán mới, các cửa hàng cà phê và nhà rang xay bắt đầu thử nghiệm các mức độ rang và nhiều giống cà phê khác nhau trên toàn thế giới. Lúc này, thế giới mùi hương đa dạng của cà phê được khai phá, mở rộng trải nghiệm vị giác của các tín đồ. Dần dà, khái niệm đặc sản (Specialty Coffee) – cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong thương mại hàng hóa được tạo dựng, đánh dấu sự khởi đầu của làn sóng thứ 2. Bên cạnh Robusta với hương vị mạnh mẽ thích hợp cho cà phê hòa tan, những người “nghiện” cafein dần yêu chuộng dòng hạt Arabica bởi hương vị độc đáo, đa tầng của nó. Xu hướng “cà phê máy” sử dụng hạt Arabica để pha nên những tách Espresso, Cappuccino hay Latte dần trở nên phổ biến, mang đến cho người dùng những tách cà phê thơm ngon, đậm vị, được pha nhanh chóng và cho chất lượng đồng đều.

Văn hóa quán cà phê thậm chí còn phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam từ dạng sang chảnh đến cà phê vỉa hè, cà phê cóc đến tận ngày nay. Nếu ở Hà Nội, bên cạnh văn hóa ‘ngồi cà phê’ còn văn hóa ‘ngồi trà đá’ bất kể giờ nào trong ngày, ngày nào trong tuần.

Từ “tiêu thụ” - cà phê dần trở thành một thức uống được “thưởng thức” hàng ngày.


LÀN SÓNG THỨ BA: PHONG TRÀO CÀ PHÊ ĐẶC SẢN

Làn sóng cà phê thứ ba, bắt đầu vào cuối thế kỷ 20, đã mang lại sự thay đổi đáng kể về trọng tâm từ số lượng sang chất lượng. Làn sóng này nhấn mạnh vào nguồn gốc, quá trình chế biến và hương vị của hạt cà phê. Nó tôn vinh sự độc đáo của các trang trại cà phê riêng lẻ, giới thiệu các hoạt động thương mại trực tiếp và ưu tiên tìm nguồn cung ứng bền vững. Làn sóng thứ ba đã làm dấy lên sự đánh giá cao đối với cà phê như một loại đồ uống thủ công, dẫn đến sự gia tăng của các cửa hàng cà phê đặc sản độc lập và các nhà rang xay thủ công.

Đây có lẽ là làn sóng thể hiện tầm ảnh hưởng lớn nhất ở thế hệ hiện tại của chúng ta. Nó kéo dài cũng hơn 10 năm nay và Việt Nam cũng đã trải qua 5-6 năm với những thay đổi rõ rệt. Những khái niệm như V60, Aeropress, hay cold brew, tasting.v.v… cũng từ đây mà ra. Trong vòng 10 năm qua, cũng chứng kiến sự sáp nhập của SCAA và SCAE thành một tổ chức duy nhất là SCA để qua đó thống nhất quy trình đào tạo cũng như đánh giá chất lượng cà phê.

Nếu hai làn sóng đầu tiên chủ yếu tập trung vào trải nghiệm người dùng, nhấn mạnh tính tiện lợi hay sự sẵn có, thì ở làn sóng thứ ba, việc xem cà phê như một nghệ thuật thủ công (Artisanal) trở thành tiêu chí chủ chốt.

04 yếu tố dưới đây được xem như những tác động chính khiến làn sóng cà phê thứ 3 xuất hiện và phát triển mạnh mẽ:

-        Là phần tiến hoá từ phong trào Specialty Coffee – xuất hiện tại làn sóng cà phê thứ 2: Mặc dù chất lượng cà phê đã được quan tâm hơn, làn sóng thứ 2 vẫn nhấn mạnh vào việc tiếp thị "không gian thứ ba" và trải nghiệm sáng tạo từ các món cà phê đặc sản sử dụng siro nhiều mùi vị cùng các hương liệu khác. Bước qua làn sóng thứ 3, có thể nói, mọi khía cạnh xoay quanh hạt cà phê mới là tâm điểm của ngành đồ uống khổng lồ này. Bên cạnh trải nghiệm, người dùng thưởng thức cà phê chú trọng nhiều hơn vào bản chất đơn thuần của hạt.

-        Các loại cà phê bản địa – Single Origin Coffee được ưa chuộng vì mang đến hương vị đặc trưng riêng của vùng đất trồng: Ít tập trung vào việc phối trộn các loại hạt, làn sóng thứ 3 chú trọng khai thác hương vị nguyên bản của cà phê canh tác ở những vùng thổ nhưỡng, độ cao và khí hậu đặc thù. Các nhà rang xay mày mò nhiều hơn về kỹ thuật chế biến và quy trình chiết xuất, hạt cà phê cũng được rang nhạt đi thay vì rang sẫm màu như trước để giữ nguyên mùi thơm sẵn có. Nhờ vậy, các tín đồ cà phê khám phá ra các tầng hương vị phức tạp hơn nhiều so với những nốt hương cơ bản họ từng biết, có thể kể đến hương ngọt của mật ong, hương hoa hồng dịu nhẹ hay nốt chua từ trái cam.

-        Các kỹ thuật pha chế thủ công (manual) chẳng hạn như bình Siphon, Pour-over, hay Chemex, Hario V60 được chú trọng và vai trò nổi bật của Barista: Rời xa quy trình máy móc tự động, hạt cà phê giờ đây được chế biến thủ công bởi các Barista chuyên nghiệp. Họ trui rèn hiểu biết và kỹ năng bản thân để trở thành “bậc thầy” của hương vị. Nhờ luôn cập nhật kiến thức, tách cà phê có thể được tạo nên bởi nhiều phương pháp pha chế từ mọi miền trên thế giới. Nhờ đó, người uống có cơ hội tìm hiểu đa chiều và trở nên sành sỏi hơn về hương vị của món thức uống mà mình yêu thích. Vượt xa khái niệm ngành nghề, Barista giờ đây được nhìn nhận như một “nghệ nhân” thực thụ, lan truyền tình yêu với từng hạt cà phê thông qua đôi tay lành nghề và những câu chuyện lãng mạn của mình.

-        Xu hướng thương mại trực tiếp (Direct Trade Coffee), một bước phát triển từ Fair Trade Coffee nhằm hướng đến tính bền vững: “Trách nhiệm cộng đồng” mà các doanh nghiệp cam kết với người nông dân cũng là một trong những điểm sáng mà làn sóng cà phê thứ ba mang lại. Xuất phát từ mục đích muốn cung ứng các loại cà phê bản địa có chất lượng tốt nhất, nhiều công ty cà phê đã bắt đầu chuyển mình từ mô hình Cà phê thương mại bình đẳng (Fair Trade) đến Thu mua trực tiếp (Direct Trade) từ nông dân. Mô hình này cho phép cho các công ty cà phê hỗ trợ trực tiếp nông dân sản xuất với nguồn lực tốt hơn và giá thu mua cao hơn, đồng thời, tạo nên một chuỗi cung ứng bền vững giữa khách hàng – nhà rang xay – người nông dân.


CÓ LÀN SÓNG CÀ PHÊ THỨ TƯ KHÔNG?

Như bạn thấy đó, cà phê và ngành công nghiệp cà phê đã đi một chặng đường dài hơn 100 năm qua. Các giai đoạn phát triển đã đưa chúng ta đến một thời kỳ mà cà phê không chỉ là thức uống giúp bạn tỉnh táo vào buổi sáng hay đồ uống tráng miệng sau bữa tối.

Ngày nay, cà phê là một trải nghiệm ẩm thực. Sự tôn kính được trả về nguồn gốc, phương pháp pha chế và tất cả các sắc thái của hương vị của nó. Vì vậy, chúng ta đặt ra câu hỏi, từ đây cà phê sẽ đi về đâu? Có một làn sóng khác, một làn sóng thứ tư?

Trong nghiên cứu làn sóng thứ tư, các mô tả của thuật ngữ này cũng đa dạng như chính cà phê vậy. Một số người định nghĩa là làn sóng thứ tư, số khác lại định nghĩa là làn sóng thứ ba. Nhiều người tỏ thái độ đủ rồi và gạt bỏ hoàn toàn các làn sóng.

Có lẽ quan điểm cân bằng nhất là chúng ta đang trải qua Làn sóng mới và làn sóng thứ tư vẫn chưa đến. Dù ý kiến ​​của bạn về làn sóng cà phê là gì, bạn cũng phải thừa nhận rằng cà phê đang ở một vị trí tuyệt vời ngay tại thời điểm này.

----------------------------------------------------

COPEN COFFEE – Trọn vị nguyên bản, chuẩn gu người sành

► Địa chỉ: 81 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

► CN: 65 Lê Hồng Phong, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội

► Hotline: 0905 555 909

► Website: www.copencoffee.com