SỰ KHÁC NHAU CỦA ĐÁNH SỮA CHO LATTE VÀ CAPPUCCINO

Đánh sữa cho Cappuccino và Latte không giống nhau!

Đây là lý thuyết cơ bản nhất của đánh sữa nhưng trên thực tế các Barista thường xem nhẹ phần này. Barista thường hay đánh lộn Váng sữa, nghĩa là đánh latte siêu dày hoặc cappuccino (Cappu) quá mỏng, hay foam sữa không mịn. Một vấn đề nữa là do mê art quá nên các bạn hay chiết suất Espresso over để có lớp crema đậm, đẹp dẫn đến ly latte hay cappu sẽ bị đắng khó chịu. Art đẹp không quan trọng bằng chất lượng cuối cùng, dù có muốn làm gì thì ly cà phê làm ra đầu tiên phải ngon và đúng trước đã, sau đó mới tới phần art. Hi vọng bài này sẽ giúp các bạn barista cải thiện về phần đánh sữa.

ĐẶC ĐIỂM CỦA CAPPUCCINO VÀ LATTE

Cappuccino

Cappuccino là thức uống cổ điển của người Ý. Tên gọi của loại cà phê này được cho là xuất phát từ những nhà tu dòng Capuchin, màu áo thụng của các nhà tu tương tự như tông màu nâu của  tách Cappuccino.


Một tách Capuchino gồm ba phần đều nhau: Cà phê Espresso, sữa nóng và bọt sữa. Thế nhưng, tùy thuộc vào từng nơi mà lượng cà phê Espresso sẽ khác nhau, có nơi để đậm đặc, nguyên chất nhưng có nơi pha loãng cùng với gấp đôi lượng nước. Và để hoàn thiện tách cappuccino, các tay pha chế thường rắc một ít bột quế hay bột ca cao lên trên lớp bọt sữa để tăng vị thơm, họ dùng khuôn hay thìa khéo léo tạo hình nghệ thuật như hình hoa, lá, chim chóc…

Ở Ý, Cappuccino gần như được dùng vào những buổi sáng sớm và tách dùng để pha chế khá sang trọng, thường làm bằng đá hay sứ, có thành dày và được hâm nóng trước khi dùng.

Latte

Khác với Cappuccino, cái tên “Latte” được bắt nguồn từ thuật ngữ Caffeelatte, trong tiếng Ý có nghĩa là cà phê và sữa.


Cappuccino & Latte giống nhau về ba thành phần cơ bản, tuy nhiên cách pha chế lại khá khác nhau. Nếu như Cappuccino đươc pha chế bằng cách dùng espresso pha với váng sữa hoặc kem và có thêm bột quế, cacao thì Latte cũng dùng espresso nhưng pha với sữa dưới áp suất cao.

Với một tách Latte, nếu chịu khó để ý bạn sẽ dễ dàng nhận thấy lượng bọt sữa của chúng chỉ  bằng một nửa lượng sữa nóng mà thôi. Còn với Cappuccino thì lượng sữa nóng và bọt sữa tương đương nhau. Chính vì thế mà một tách Latte bao giờ cũng trông “quyến rũ” và “bồng bềnh” hơn so với Cappuccino.

Nếu Cappuccino được dùng bằng một chiếc tách đá, hoặc sứ thành dày và hâm nóng kĩ lưỡng thì việc thưởng thức Latte có lẽ sẽ đơn giản hơn, chỉ cần một cái ly to là đủ.

Còn một điểm khá thú vị ở Latte mà ít người biết đến, ban đầu thức uống này chỉ dành cho trẻ em, vì hàm lượng cafein khá ít và độ ngậy tương đối cao, về sau, thức uống này ngày càng được người lớn mê mẩn và chinh phục kể cả những thực khách khó tính nhất.

ĐÁNH SỮA CHO CAPPUCCINO VÀ LATTE

Tuy cả Cappuccino và Latte đều được tạo nên trong sự kết hợp của Espresso với sữa và bọt sữa (foam), Nhưng do Cappuccino yêu cầu tỷ lệ Espresso/sữa nóng/foam = 1/1/1 nên lớp bọt sữa sẽ dày tương đương với lượng sữa trong cốc. Riêng Latte thì ít bọt và nhiều sữa hơn theo tỷ lệ 1 Espresso/ 2 phần sữa với lớp foam mỏng hơn. Sau đây là ba giai đoạn chính và những lưu ý cần thiết khi đánh sữa cho hai loại thức uống này:

Bước 1: Chuẩn bị sữa

Tốt nhất bạn nên dùng sữa thanh trùng, để lạnh 1 – 3°C trước khi rót vào ca (250ml cho ca có dung tích 600ml, 200 ml cho ca 450ml). Đối với máy pha cà phê, ban nên xả hơi khoảng 1 giây, dùng khăn lau sạch vòi hơi để loại bỏ hết sữa hoặc nước còn dư trong vòi, đến khi chỉ còn hơi nước.

Lúc mới bắt đầu nên giữ cho ca sữa thẳng đứng, còn vòi hơi nằm sâu khoảng 1cm (vừa ngập đầu hơi) và nghiêng một góc khoảng 30 độ so với bề mặt sữa.

Nên sử dụng ca đánh sữa kim loại, có vạch đo (ml) thì càng tốt, vì kim loại truyền nhiệt tốt, giúp bạn dễ dàng cảm nhận sức nóng trực tiếp của sữa.

Bước 2: Đánh sữa (Stretching)

Khởi động vòi hơi, khi thấy sữa bắt đầu xoáy, hạ ca đánh sữa xuống để nghe tiếng “xoẹt xoẹt” lớn nhằm tạo nhiều foam. Ngưng tạo foam trước 37°C (100°F, hơi ấm tay) – Hoặc khi lượng bọt sữa trong ca dâng lên gần gấp đôi so với mực sữa ban đầu (đối với cappuccino) ; Riêng latte ngưng tạo foam, khi bọt dâng lên 2 – 4cm so với mực sữa ban đầu.

Đặt vòi hơi lệch tâm, sâu khoảng 1cm, tạo thành một vòng xoáy trong ca.

Trong lúc đánh sữa, chú ý nghe tiếng “xoẹt xoẹt” tạo ra bởi hơi nước, tiếng ‘xoẹt’ càng nhiều nghĩa mặt sữa càng dao động, càng đưa được nhiều không khí vào để hình thành vi bọt.

Khi sữa đã nóng trên 37° C nếu tiếp tục tạo foam sẽ có nguy cơ hình thành các bọt khí lớn, lâu tan.

Bước 3: Tạo vòng xoáy ổn định (spinning) và kết thúc

Khi đã đủ foam hoặc sữa đã nóng, bạn cần nghiêng cốc một chút, để vòi hơi ngoài rìa cốc vừa đủ ngập trong bọt sữa và duy trì dòng chảy xoáy ốc. Tắt vòi hơi khi nhiệt độ sữa đã quá sức chịu đựng của bàn tay. Lúc này nhiệt độ sữa đạt khoảng 60 – 65°C (140 -150°F).

Làm sạch đũa hơi, đưa về vị trí cũ.

Khi hoàn tất, kết cấu của sữa phải mịn, bồng bềnh tương tự như kem tan chảy

Dòng xoáy sẽ giúp đánh tan những bong bóng lớn hình thành ở giai đoạn Stretching giúp sữa sánh mịn hơn. Trong giai đoạn này không nên để xuất hiện tiếng “xoẹt xoẹt”, chỉ giữ cho dòng sữa xoáy và không đưa đầu hơi ngập sâu trong sữa vì sức nóng sẽ làm protein biến tính, tan hết vi bọt.


Một số lưu ý khi tạo bọt sữa Barista cần biết

-        Để tạo bọt sữa tốt nhất nên sử dụng sữa thanh trùng, nếu dùng sữa tiệt trùng thì bắt buộc phải là loại UHT (Ultra Heat Temperature).

-        Không sử dụng lại sữa đã được tạo bọt để tạo foam lại.

-        Ca đánh sữa cần được bảo quản lạnh để đạt hiệu quả cao nhất.

-        Có thể sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ của sữa trong quá trình tạo bọt.

-        Chỉ vệ sinh vòi đánh sữa bằng cách ngâm trong nước nóng 3 – 5 phút hoặc lau bằng khăn ướt, không dùng bất kỳ dụng cụ kim loại hay miếng nhám để vệ sinh vòi đánh sữa, khiến vòi bị trầy, tạo điều kiện để vi khuẩn tích tụ, phát triển - ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng.

----------------------------------------------------

COPEN COFFEE – Trọn vị nguyên bản, chuẩn gu người sành

► Địa chỉ: 81 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM

► CN: 65 Lê Hồng Phong, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội

► Hotline: 0905 555 909

► Website: www.copencoffee.com